Vì sao Indonesia ra lệnh cấm bán iPhone 16, Apple Watch Series 10?

Người dùng tại Indonesia sẽ không có cơ hội sở hữu loạt iPhone 16 và đồng hồ thông minh Apple Watch thế hệ thứ 10 mới nhất của Apple, sau khi “quả táo” không đáp ứng đủ các yêu cầu về đầu tư tại quốc gia này.

Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết Apple chỉ đầu tư 1,48 nghìn tỷ rupiah (tương đương 95 triệu USD), thấp hơn mức 1,7 nghìn tỷ rupiah mà Apple đã cam kết đầu tư trước đó.

Apple đã sử dụng số tiền đầu tư của mình để xây dựng bốn trung tâm phát triển tại Indonesia, thay vì thành lập cơ sở sản xuất địa phương như CEO Tim Cook đã từng hứa hẹn trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 4.

Vì sao Indonesia ra lệnh cấm bán iPhone 16, Apple Watch Series 10? - 1

Người dùng tại Indonesia sẽ mất cơ hội sở hữu iPhone 16 và Apple Watch Series 10 (Ảnh: Getty).

Ban đầu, chính phủ Indonesia dự định sẽ xem xét lệnh cấm kinh doanh loạt sản phẩm mới của Apple sau khi công ty này không đầu tư đủ số tiền như cam kết.

Mới đây, chính phủ quốc gia này đã chính thức ban hành lệnh cấm bán đối với các sản phẩm mới của Apple, bao gồm loạt iPhone 16 và Apple Watch Series 10. Những sản phẩm cũ hơn của “quả táo” vẫn tiếp tục được kinh doanh tại Indonesia.

“Chúng tôi vẫn chưa thể cấp giấy phép kinh doanh cho iPhone 16 và Apple Watch Series 10 vì có những cam kết mà Apple vẫn chưa thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita, tuyên bố.

Theo lệnh cấm, việc mua bán, kinh doanh loạt iPhone 16 và Apple Watch thế hệ thứ 10 tại Indonesia bị coi là phạm pháp và các sản phẩm này bị xem là “hàng trái phép”. Chính phủ khuyến khích người dân báo cáo nếu phát hiện các hành vi mua bán, kinh doanh những thiết bị này.

Tuy nhiên, khách du lịch khi đến tham quan Indonesia sẽ không chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm, miễn là họ không thực hiện các hành vi giao dịch, mua bán hoặc trao đổi các thiết bị nằm trong lệnh cấm.

Đại diện Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết hiện có khoảng 9.000 chiếc iPhone 16 đã được nhập khẩu vào Indonesia thông qua các nhà mạng và hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ được phép sử dụng cho mục đích cá nhân và không được phép kinh doanh.

Lệnh cấm có thể tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của Apple. Mặc dù Apple không nằm trong top 5 hãng điện thoại lớn nhất tại Indonesia, đây vẫn là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với dân số trẻ và ngày càng yêu thích công nghệ.

Theo số liệu thống kê của chính phủ Indonesia, “xứ vạn đảo” hiện có hơn 350 triệu điện thoại di động đang được sử dụng, nhiều hơn cả dân số 280 triệu người của quốc gia này.

Vẫn chưa rõ lệnh cấm có được dỡ bỏ sau khi Apple thực hiện đầy đủ cam kết đầu tư vào Indonesia hay không.

Hiện Apple chưa đưa ra bình luận gì về lệnh cấm bán iPhone 16 của chính phủ Indonesia.

Các hãng sản xuất smartphone lớn khác như Samsung, Xiaomi… đã thành lập nhà máy lắp ráp tại Indonesia để tuân thủ các quy định về đầu tư của quốc gia này. Một số quy định khác về đầu tư nước ngoài tại Indonesia bao gồm việc sử dụng nguyên liệu hoặc nhân công trong nước.

Indonesia cũng ban hành chính sách để hạn chế việc mua điện thoại “xách tay”. Kể từ năm 2020, những smartphone mua qua đường “xách tay” từ thị trường nước ngoài cũng buộc phải khai báo với cơ quan nhà nước và chịu đánh thuế như sản phẩm bán trong nước.

Indonesia có lịch sử lâu đời trong việc đưa ra các quy định nghiêm ngặt để buộc các công ty nước ngoài phải sản xuất hàng hóa ngay tại quốc gia này. Điều này giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động tại Indonesia, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của các công ty nước ngoài.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen + 8 =