Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, những công ty như Apple đã cố gắng tìm mọi cách để có thể hạn chế sự ảnh hưởng từ mức thuế mà Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với hàng nhập khẩu.

iPhone 16e được lắp ráp tại Brazil (Ảnh: 9to5mac).
Những năm trước, Apple thường sẽ chuyển hoạt động sản xuất iPhone sang Brazil nhiều tháng sau khi thiết bị ra mắt. Tuy vậy, đối với dòng sản phẩm iPhone 16e, công ty đã ngay lập tức triển khai quá trình lắp ráp tại quốc gia này.
Theo PhoneArena, động thái của Apple nhằm giảm sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp giúp công ty có thể hạn chế những tác động từ mức thuế đối ứng mới.
Hiện tại, Brazil chỉ phải chịu mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ. Điều này cung cấp một giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí hơn đáng kể so với mức thuế lên đến 245% đang được áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc.
Trước đó, trang The Times of India dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết Apple đã vội vã huy động 5 chuyến bay vận tải để chuyển một lượng lớn iPhone từ các nhà máy tại Ấn Độ và Trung Quốc.
Apple được cho là đã vận chuyển 600 tấn iPhone, tương đương 1,5 triệu chiếc, từ Ấn Độ và Trung Quốc về Mỹ. Lượng hàng này sẽ được chứa trong kho dự trữ của Apple tại Mỹ nhằm bình ổn giá sản phẩm, ngay cả khi mức thuế nhập khẩu mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.

Apple được cho là đã vận chuyển 600 tấn iPhone từ Ấn Độ và Trung Quốc về Mỹ (Ảnh: PhoneArena).
Các nhà phân tích dự đoán giá iPhone tại Mỹ có thể sẽ tăng vọt trong thời gian tới, khi nhà máy lắp ráp iPhone chủ yếu đặt tại Trung Quốc.
“Giá của iPhone và các sản phẩm của Apple tại Mỹ có thể sẽ tăng lên gấp đôi trong thời gian tới, vì hơn 95% sản phẩm của Apple được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc”, David McQueen, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường ABI Research, nhận định.
Theo Nikkei Asia, các hãng khác như Dell, Microsoft, HP và Lenovo cũng đã gấp rút vận chuyển càng nhiều sản phẩm cao cấp, chẳng hạn các mẫu máy tính có giá trên 3.000 USD, về Mỹ nhằm tránh mức thuế nhập khẩu mới.
Một số hãng máy tính của Mỹ như Razer, Framework… còn tạm dừng bán sản phẩm tại Mỹ để điều chỉnh lại giá bán phù hợp với mức đánh thuế mới.