Ngày 10/1, Tòa án Tối cao Mỹ tổ chức phiên điều trần để lắng nghe trình bày từ phía TikTok sau khi ByteDance kháng cáo luật yêu cầu ứng dụng này phải bán hoặc bị cấm tại Mỹ.
Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm TikTok vào tháng 4/2025 nhằm ngăn chặn nguy cơ gián điệp và thao túng dữ liệu từ nền tảng này, song TikTok liên tục phủ nhận những cáo buộc trên.
Để ngăn chặn việc bán nền tảng của mình tại Mỹ, TikTok và ByteDance đã viện dẫn chính Hiến pháp Hoa Kỳ.
Theo họ, đạo luật mà Quốc hội thông qua trái ngược với Tu chính án thứ nhất đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ, song lập luận bị bác bỏ nhiều lần bởi các thẩm phán.
Kết thúc phiên điều trần, không có quyết định nào được đưa ra. Điều này có nghĩa là đến ngày 19/1, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng, vốn có hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ hoặc phải ngừng hoạt động.
Theo tờ New York Times, các nhà sáng tạo nội dung và nhà tiếp thị của TikTok đã chuẩn bị cho việc đóng ứng dụng vào ngày 19/1.
Trên thực tế, hàng tỷ USD tiền quảng cáo được chi trên mạng xã hội này và luật cấm chắc chắn sẽ gây tổn thất lớn đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.
Nếu luật này được áp dụng, Google và Apple sẽ phải gỡ bỏ TikTok khỏi kho ứng dụng của họ và người dùng Mỹ sẽ mất quyền truy cập vào TikTok ngay lập tức.
Ứng dụng sẽ không thể cập nhật và dần dần trở nên không sử dụng được. Trước tòa án, đại diện ByteDance cam đoan sẽ không bán TikTok.
Các vấn đề chồng chất
TikTok hiện có hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới, song nền tảng này đang có những bước thụt lùi.
Chính phủ Somalia mới đây đã cáo buộc TikTok góp phần truyền bá nội dung khủng bố và vô đạo đức, nền tảng này đã bị cấm hoàn toàn tại quốc gia này từ tháng 8/2023.
Vào giữa tháng 12/2024, Ủy ban Châu Âu tuyên bố mở một cuộc điều tra về TikTok do nghi ngờ đã được sử dụng để “phối hợp thao túng” cuộc bầu cử tổng thống ở Romania một tháng trước đó.
Ứng cử viên Tổng thống Romania Calin Georgescu, đã khiến mọi người ngạc nhiên khi dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên và chính quyền Romania cáo buộc ứng viên này đã hưởng lợi từ một chiến dịch hỗ trợ bất hợp pháp trên TikTok.
Vì những nghi ngờ này, cuộc bầu cử tổng thống đã bị Tòa án Hiến pháp hủy bỏ vào đầu tháng 12/2024, hai ngày trước vòng bầu cử thứ 2.
Tại quốc gia Albania, Thủ tướng Edi Rama mô tả TikTok là một gã côn đồ và đình chỉ hoạt động nền tảng này ít nhất một năm bắt đầu từ năm nay.
Quyết định này được đưa ra sau khi một học sinh 14 tuổi thiệt mạng và một học sinh khác bị thương trong vụ ẩu đả gần một trường học ở thủ đô Tirana, nguyên nhân do mâu thuẫn trên mạng xã hội TikTok.
Úc dẫn đầu cuộc chiến cấm TikTok
Chìa khóa thành công của TikTok nằm ở thuật toán đề xuất của nó, làm nổi bật văn bản hoặc video dựa trên sở thích và thói quen xem của người dùng.
Nhưng phương pháp này, theo các chuyên gia, góp phần thúc đẩy việc truyền bá thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp, bạo lực hoặc tục tĩu, đặc biệt là trong giới trẻ.
Tại Úc, Quốc hội đã thông qua luật vào cuối tháng 11/2024 cấm truy cập mạng xã hội này đối với những người dưới 16 tuổi, một trong những biện pháp nghiêm ngặt nhất trên thế giới trong lĩnh vực này.
Ở Pháp, một nhóm gồm 7 gia đình đã kiện TikTok ra tòa, cáo buộc ứng dụng này đã cho con cái họ xem những nội dung có thể khiến chúng tự tử.
Cuối tháng 12/2024, Venezuela đã phạt TikTok 10 triệu đô la vì “sơ suất” sau cái chết của ba thanh thiếu niên thực hiện một thử thách nguy hiểm được truyền thông trên nền tảng này.